Liên tục biến động theo các tiêu đề, cả dầu Brent và WTI tuần này đều trải nghiệm một tuần tăng, với Brent “leo dốc” 4,4%, WTI 2,5%.
Giá xăng dầu thế giới
Bắt đầu tuần giao dịch, giá “vàng đen” đã lao dốc tới 4,5%, phá vỡ chuỗi tăng ba ngày của tuần trước đó bởi nhu cầu nhiên liệu chậm ở Trung Quốc và chỉ số USD tăng lên mức cao nhất trong năm tuần. Tuy nhiên, giá dầu sau đó đã gần như đi ngang khi các thị trường cân nhắc cảnh báo của Ả Rập Xê Út rằng OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng trước khả năng thêm nhiều lượng dầu của Iran sẽ được “tiếp” cho thị trường nếu một thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được.
Khả năng OPEC+ “điều tiết” sản lượng tiếp tục thúc đẩy giá, khiến “vàng đen” quay đầu leo dốc tới gần 4% trong phiên giao dịch tiếp theo. Giá dầu tăng còn bởi triển vọng tồn kho dầu của Mỹ giảm.
Tăng tới gần 4 USD, giá dầu thô Brent đã vượt mức 100 USD/thùng, quay trở lại mốc giá 3 con số.
Lý giải về khả năng cắt giảm sản lượng của OPEC+, Bob Yawger, Giám đốc phụ trách bộ phận năng lượng tương lai tại Mizuho cho biết, viễn cảnh nguồn cung dầu thô của Iran được nối lại, lo ngại suy thoái, cùng với các đợt tăng dự trữ dầu thô của Mỹ, nhu cầu xăng dầu giảm và mùa bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu sắp tới đã đẩy giá dầu xuống thấp hơn trong những tuần gần đây và điều đó đã “tạo cảm hứng” cho OPEC+.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, việc cắt giảm có thể sẽ không diễn ra sớm và khả năng cao sẽ trùng với thời điểm dầu Iran xuất khẩu quay trở lại thị trường nếu Tehran đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Trong phiên giao dịch tiếp theo, giá “vàng đen” đã “diễn biến” hai chiều. Cả dầu thô Brent và WTI đều đã giảm hơn 1 USD, chịu tác động của báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) về tồn dầu thô của nước này giảm 3,3 triệu thùng, tồn kho xăng giảm 4,6 triệu thùng. Tuy nhiên, giá dầu sau đó đã “lội ngược dòng”. Dầu thô Brent tăng 1 USD lên 101,22 USD/thùng, dầu thô WTI tăng 1,15 USD lên 94,89 USD/thùng. Sự quay đầu tăng của giá “vàng đen” là bởi lo ngại rằng Mỹ sẽ không xem xét các nhượng bộ bổ sung đối với Iran để phản ứng lại với bản dự thảo thỏa thuận nhằm giúp khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Tehran mà theo đó nâng cao khả năng xuất khẩu dầu thô của thành viên OPEC này.
Nhà phân tích Stephen Brennock của PVM nhận xét: “Triển vọng giá dầu và nguồn cung cho thấy việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ hiện không được đảm bảo”.
Hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần đã “bù trừ” cho nhau khi dầu giảm khoảng 2 USD do lo ngại lãi suất ở Mỹ tăng sẽ làm suy yếu nhu cầu nhiên liệu, sau đó “leo dốc” gần 2 USD bởi khả năng OPEC+ tăng sản lượng, phớt lờ cảnh báo về tương lai “đau đớn” của nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cũng như khả năng Fed sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ trong một thời gian để kiềm chế lạm phát. Giá dầu Brent đã chốt phiên giao dịch của tuần ở mức 100,99 USD/thùng, WTI ở mức 93,06 USD/thùng.
Một thỏa thuận hạt nhân Iran có thể đạt được hay không và liệu OPEC+ có cắt giảm sản lượng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự tăng-giảm của giá dầu tuần sau.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 28-8 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.725 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.669 đồng/lít; dầu diesel không quá 23.759 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.056 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.548 đồng/kg.
Khương - Cập nhật